Rao Vặt Tổng Hợp

Gia đình và niềm hạnh phúc

Gần đây tôi thấy khá mệt mỏi. Tôi nghĩ là vì đã ba tuần rồi tôi chưa được thư giãn một mình. Và không biết vì sao, tại thời điểm đó, việc chăm sóc bản thân, một lần nữa, không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi.

Đương nhiên, tôi biết điều đó quan trọng. Chí ít thì việc tự chăm sóc bản thân sẽ khiến những người xung quanh tôi an lòng, còn không chăm sóc bản thân sẽ khiến những người tôi yêu mến lo lắng. Nhưng khi mọi việc trở nên ngổn ngang (lúc nào chẳng vậy nhỉ?!), chúng ta đều phải hy sinh thứ gì đó.

Hôm nay tôi đã la Ryan. Tôi gào lên: “Con muốn mẹ phải làm gì?!? Con muốn cái gì?!?” Dù tôi có cố gắng làm gì, thằng bé vẫn không ngừng gào khóc. Và việc la lối càng khiến tình hình tệ hơn. Tôi đã mất đi sự bình tĩnh. Nó lạc đâu đó trong trí óc tôi, lu mờ bởi sự chán nản. Cơn giận đã khiến tôi không còn minh mẫn.

Vẻ mặt sợ hãi của Ryan in sâu trong trí nhớ tôi, và tôi thầm ước thằng bé sẽ không nhớ gì đến hình ảnh giận dữ của mẹ nó.

Khi tôi bế thằng bé lên, những giọt nước mắt nặng trĩu lăn dài trên khuôn mặt bé nhỏ của thằng bé. Vài giọt đã rơi trên môi tôi, mặn chát. Ngay lúc đó, một cơn đau nhói xuyên thẳng vào lồng ngực tôi – nỗi đau của hiện thực phũ phàng rằng tôi chính là người khiến Ryan khóc.

Tôi là một người mẹ tồi. Tôi là một kẻ tồi tệ. Khi Jeremy đi làm về, tôi kể cho anh ấy nghe về chuyện đó. Sự thất vọng trên gương mặt anh khiến tôi nghĩ mình đáng bị nhốt trong một căn phòng tối, rồi vứt chìa khóa đi.

Đó là một ngày kinh khủng. Tôi đã gục ngã.

Jeremy nói – thật ra chỉ để an ủi tôi – những việc thế này lúc nào cũng xảy ra (với người khác). Tôi rất muốn tin anh ấy, nhưng tôi không chắc. Tôi nghĩ là do tôi. Tôi nghĩ mình nóng tính và thiếu kiên nhẫn. Tôi cần phải giải quyết và vượt qua chúng.

Từ góc nhìn của tôi, những cặp cha mẹ khác đều có thể tìm ra hướng giải quyết. Tôi thấy những bà mẹ cùng nhau trao đổi cách nuôi dạy con cái. Họ không những kiên nhẫn, tự làm đồ ăn cho con, mà còn biết sắp xếp cho con đi học trước tuổi, nướng bánh cho gia đình, và dọn dẹp nhà cửa gọn gàng.

Tôi nhìn lại chính mình: một bà mẹ tồi tệ không-biết-tự-làm-cơm-cho-con lại còn giận dữ với con mình. Và nhà cửa thì bừa bộn như thể vừa bị một cơn lốc cấp bốn ghé thăm vậy.

Gia đình và niềm hạnh phúc 3

Chúng ta dễ dàng trách móc bản thân mỗi khi ta phiền muộn.

Có thể, Jeremy nói đúng, rằng thế giới đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình không như những gì mọi người vẫn thấy – hình ảnh của một gia đình lý tưởng và luôn dạt dào hạnh phúc. Và chỉ trong những suy nghĩ thầm lặng, ta mong rằng thế giới sẽ không phát giác – rằng ta không hoàn hảo, cũng không hạnh phúc như bức chân dung treo trên tường kia.

Tôi thở dài và nghĩ, “làm mẹ thật khó.”

Và tôi chợt nghe tim mình lên tiếng, “Thì đã sao? Cuộc đời là thế mà! Chẳng ai nói đó là một chuyến đi dễ chịu cả? Bởi suy nghĩ nông cạn và thiếu hiểu biết nên cô mới gặp những chuyện tồi tệ này đấy. Nhưng cô vẫn có thể thay đổi mà!”

Đúng! Đương nhiên là tôi có thể! Tôi không thể thay đổi hiện thực, nhưng nếu kiên trì, tôi có thể thay đổi cách mình phản ứng với mọi việc. Cũng như câu nói: bạn không thể chuyển hướng ngọn gió, nhưng bạn có thể điều khiển cánh buồm. Một câu nói hay làm sao!

Tôi nhận ra, dù có đẹp đến đâu, giàu đến đâu, thành công đến thế nào, chúng ta đều có một điểm chung (trong nhiều thứ) – chúng ta đều có những vấn đề (các mối quan hệ, căng thẳng và bất an là những điều tôi thường thấy nhất).

Tôi nghĩ chúng ta nên ngừng đổ lỗi cho các vấn đề của chúng ta về việc thiếu đi thứ gì đó mà ta nghĩ ta nên có (sắc đẹp, tiền bạc, trí thông minh, v.v. chẳng hạn). Gặp phải vấn đề là điều con người không thể tránh khỏi, và đó là một cách để trải nghiệm cuộc sống.

Tình huống có thể khác nhau, nhưng chúng ta đều có những trở ngại nhất định. Chúng ta có thể học từ chúng và cố gắng bước tiếp, hoặc mắc kẹt lại và cho phép sự thất bại ảnh hưởng đến chúng ta.

Cuộc sống là vậy – những sự kiện bất ngờ liên tục xuất hiện và những thách thức làm nên con người chúng ta. Cách chúng ta chọn để đón nhận những trải nghiệm này tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Kể cả việc chào đón hay phản kháng lại chúng cũng vậy.

Chúng ta, chứ không ai khác, là người làm nên tương lai của chính chúng ta, bằng chính những quyết định mà ta đang thực hiện. Bất kể ta đã làm gì trong quá khứ, bất kể những lỗi lầm ta đã phạm phải, tương lai luôn rộng mở, và sức mạnh đều nằm ở Hiện Tại – khoảnh khắc để ta quyết định hướng đi của cuộc đời mình.

Hối tiếc và tủi thân sẽ chỉ giữ chân ta lại ở quá khứ. Và chỉ chúng ta mới có quyền cho phép mình mắc kẹt trong sự rối ren của những vấn đề đó.

Sau khi Ryan an giấc, Jeremy và tôi bàn luận các phương án, đào sâu vào nguyên do của sự việc. Kết quả hoàn toàn bất ngờ và hiệu quả.

Nếu bạn muốn biết thì lỗi lầm lớn nhất của tôi là ôm đồm quá nhiều việc trong lúc chăm nom cho Ryan. Tâm trí tôi bị phân tán giữa việc muốn làm việc nhà và việc công ty hiệu quả, với việc hoàn thành mọi ước muốn của một cậu bé 10 tháng tuổi hiếu động và tò mò.

Việc phân chia hoàn toàn không hữu ích, vì thật sự chúng mâu thuẫn với nhau. Trẻ em rất nhạy cảm, chúng dễ dàng cảm nhận được bạn không dành hết sự quan tâm cho chúng, và chúng sẽ làm mọi cách để có được sự quan tâm đó. Ở độ tuổi mỏng manh này, cha mẹ phải đảm bảo cho trẻ cảm thấy được quan tâm, được lắng nghe, được vui đùa, được trò chuyện, và không bị ngó lơ chỉ vì mẹ bận việc khác.

Jeremy cũng nhắc nhở tôi rằng bọn tôi may mắn nhường nào khi tôi có cơ hội được ở nhà và chứng kiến Ryan trưởng thành. Thời thơ ấu này sẽ không tồn tại lâu, và khi nó kết thúc, bọn tôi sẽ nhìn lại và hối tiếc vì đã không nhận ra nó đẹp và thiêng liêng đến nhường nào.

Nước mắt dâng trào, tôi gật đầu. Bọn tôi thật may mắn khi có một cậu nhóc khỏe khoắn và đáng yêu. Tất nhiên, đôi lúc tôi không trân trọng một số điều, và tôi cảm kích người chồng đã nhắc nhở tôi biết ơn những phước lành hiện hữu trong cuộc sống của tôi.

Lần sau nếu tôi có tức giận hay phải đối mặt với những tình huống khó khăn, trước khi mất bình tĩnh, tôi sẽ thực hiện ba điều sau:

Nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu.

Cảm ơn cuộc sống đã cho tôi một bé trai kháu khỉnh và khỏe mạnh.

Nhớ đến sự ngây thơ của thằng bé. Trấn tĩnh bản thân bằng sự đáng yêu và thuần khiết của thằng bé. Thấu hiểu thằng bé. Nói cách khác, cẩn thận hơn khi ở cạnh thằng bé và trân trọng những khoảnh khắc đẹp đẽ bọn tôi có ở Hiện Tại.

Điều quan trọng hơn cả, tôi hứa sẽ không bao giờ la thằng bé nữa. Tôi hứa sẽ thay đổi. Tôi muốn thay đổi. Tôi muốn là một con người tốt hơn… muốn là một người mẹ tốt hơn… muốn trở thành một hình mẫu tốt hơn trong mắt cậu nhóc của tôi.

Tôi đã sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình cho Ryan thì tôi chắc chắn có thể trở thành con người tốt hơn vì thằng bé. Cách hành xử và phản ứng của tôi chỉ là thói quen, và thói quen thì có thể thay đổi. Đây đơn thuần chỉ là vấn đề của sự quyết tâm và tận tụy.

Ngày hôm nay, tôi quyết định thay đổi. Ngày hôm nay, tôi xin hứa sẽ trở thành một người mẹ hiền từ và mẫu mực hơn.

Trong quá trình thay đổi, tôi biết mình sẽ tiếp tục mắc lỗi. Và khi điều đó xảy ra, tôi sẽ đối xử với bản thân tốt hơn. Tôi sẽ chấp nhận con người tôi bây giờ, biết rằng tôi đang trên đường thức tỉnh, đang đi trên cuộc hành trình vượt qua những thách thức, vượt qua những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến gia đình – gia tài quý báu của tôi.

Sáng nay (năm ngày sau sự việc), khi cho Ryan ăn sữa chua và uống sữa, trong những tiếng bập bẹ nói cười, tôi thi thoảng nghe tiếng “mama” lọt thỏm giữa những tiếng “baba”. Vào khoảnh khắc ấy, khi thời gian như đứng lại, tôi cảm thấy tim mình như lỡ đi một nhịp.

“À, thì ra đây gọi là hạnh phúc. Chỉ những giây phút nhỏ nhặt thế thôi cũng hóa thành phép màu thay đổi bạn mãi mãi.” – tôi thầm nghĩ.

Tôi vừa muốn cười, vừa muốn khóc. Hình như tôi đã vừa cười vừa khóc.

Gia đình và niềm hạnh phúc 4

Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.

Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.

Related Articles

Trả lời

Back to top button