Công ty khởi nghiệp từ chối “gã khổng lồ” Internet
Google đã ngỏ ý mua lại công ty khởi nghiệp phân tích dữ liệu Salorix hai lần vào năm 2012 và tháng 1/2013.
Một công ty ở Bangalore đã đóng cửa sau khi từ chối lời đề nghị mua lại từ Google do mâu thuẫn giữa ông Santanu Bhattacharya – người sáng lập công ty – và các nhà đầu tư vì họ cho rằng ông nên chấp nhận lời đề nghị của “gã khổng lồ” Internet.
Google đã ngỏ ý mua lại công ty phân tích dữ liệu Salorix hai lần vào năm 2012 và tháng 1/2013, nhưng ông Bhattacharya không mấy ấn tượng bởi lời đề nghị đó.
Trong khi đó, các nhà đầu tư rất ủng hộ thỏa thuận này vì họ cho rằng đây là lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng khi không thấy động tĩnh gì từ phía ông Bhattacharya, họ quyết định ngưng tài trợ, điều này gây ra cuộc khủng hoảng và dẫn đến đóng cửa công ty.
Hai nhà đầu tư Nexus Venture Partners và Inventus Capital từ chối bình luận về vấn đề trên. Salorix được thành lập vào năm 2009 bởi Bhattacharya – một nhà khoa học từng làm việc tại NASA và là cựu sinh viên của IIT Bombay. Năm 2011, công ty đã huy động được 3,5 triệu USD (tương đương 216 triệu Rupi theo tỉ giá hiện tại).
Một nhà đàm phán xin giấu tên cho biết: “Các nhà đầu tư khuyên ông Bhattacharya chấp nhận đề nghị đó nhưng ông ta đã yêu cầu một mức giá cao hơn dẫn đến thỏa thuận thất bại.” Trước khi đóng cửa, công ty có văn phòng ở Ấn Độ và Hoa Kỳ với 35 nhân viên. Giờ đây, họ vẫn đang đợi tiền thanh toán mãn hợp đồng và tiền thưởng mà công ty đã hứa.
Ông Bhattacharya hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ. Ông đã xác nhận việc công ty ngừng hoạt động nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông viết qua email: “Đây là một trang hào hùng trong sự nghiệp của tôi. Tiếc là, những thứ tốt đẹp đều có hồi kết và điều này cũng không ngoại lệ.”
Trên thế giới,việc mua lại các công ty phân tích dữ liệu ngày càng tăng, khiến cho một lĩnh vực vốn đã nổi lại càng nhận được nhiều sự chú ý. Tháng 12 năm ngoái, Apple đã mua công ty phân tích dữ liệu xã hội Topsy với giá 200 triệu USD (12 tỉ Rupi). Mới đây, Google đã vượt mặt Facebook để mua công ty dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo Deep Mind Technologies với giá 400 triệu USD (24,7 tỉ Rupi).
Câu chuyện thất bại của Salorix khiến người ta chú ý nhiều hơn đến sự thất bại của những người mới khởi nghiệp. Mỗi ngày lại xuất hiện thêm hai công ty khởi nghiệp, các chuyên gia khẳng định không phải tất cả mọi công ty khởi nghiệp đều tồn tại. Krishnan Ganesh, một doanh nhân thành lập chuỗi công ty như cung cấp giáo dục Tutor Vista và công ty phân tích dữ liệu Marketics, nói rằng: “Đóng cửa giống như ly hôn, người ta nên tiến hành một cách nhân đạo hơn và ít đau đớn.”
“Thất bại nhanh còn hơn chết từ từ.” Tháng trước, công ty khởi nghiệp về trình phát âm nhạc trực tuyến Dhingana đóng cửa do phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng sao chép lậu. Tháng 5 vừa qua, công ty dịch vụ phát sóng trực tuyến ở Bangalore – iStream buộc phải đóng cửa sau khi các nhà đầu tư từ chối tài trợ thêm vốn.
Ganesh có quan điểm không giống như thung lũng Silicon, người dân ở Ấn Độ dễ đồng cảm và cần phải được cổ vũ, cùng nhau đương đầu với thất bại. Ông cũng gợi ý rằng các mạng lưới doanh nghiệp và các cơ quan trong ngành phải thiết lập một hệ thống hỗ trợ để giúp các công ty mới thành lập đối phó với thất bại, điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ và giúp những nhân viên bị sa thải có việc làm tại những doanh nghiệp khởi nghiệp khác.
Những người theo dõi Salorix nói rằng việc đóng cửa không phải là do thiếu khách hàng hoặc không có các sản phẩm tân tiến, cạnh tranh. Công ty đã phát triển công nghệ phân tích phương tiện truyền thông xã hội và một nền tảng trí tuệ nhân tạo để hiểu tác động của thương hiệu là như thế nào.
Khách hàng của họ bao gồm nhà sản xuất sô cô la cao cấp Lindt, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen và nhà sản xuất quần jeans hàng đầu thế giới Levi’s.
Tại Ấn Độ, Salorix đã làm việc với Berkshire Hathaway của Warren Buffett để giúp nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng chiến lược truyền thông đại chúng.
Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.
Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.