Làm sao tìm được công việc mình yêu thích?
Bạn đã từng nhìn quanh và thấy một số người vật vưởng như thể mọi nguồn sinh lực bị rút cạn khỏi cơ thể họ bao giờ chưa? Tôi thì thấy điều đó hầu như mỗi ngày khi mà hàng triệu người như những cỗ máy, đều đều “diễu hành” qua một chuỗi dây chuyền để đến công sở, nơi họ phải làm công việc mà mình ghét; đôi khi sự tra tấn này kéo dài từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Hoặc có khi còn lâu hơn thế.
Một số người hài lòng với điều thường ngày ấy và cảm thấy chẳng có gì sai cả. Những công việc này ổn định, có thu nhập, và có thể có lương hưu nữa. Vậy thì quá tốt đi chứ.
Tuy nhiên, vài người khác lại mong muốn tìm kiếm nhiều hơn từ cuộc sống. Họ không thể làm công việc mà không có sự thay đổi. Họ bị dằn xé giữa việc nên làm những gì mình yêu thích hay làm những gì cần phải làm.
7 mẹo hay giúp bạn tìm được công việc yêu thích
Khi tôi tốt nghiệp đại học, nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là rồi mình sẽ như những người xung quanh.
Thú thực rằng, điểm số của tôi ở đại học không hề cao. Những môn tôi yêu thích như sinh học, tâm lí học và di truyền học thì tôi học rất tốt. Nhưng những môn tôi không mấy mặn mà như nhân chủng học, thống kê và tiếng Pháp thì kết quả là điểm số của tôi rất thê thảm.
Tôi tốt nghiệp nhưng thứ hạng không phải nằm trong top đầu của lớp. Điểm trung bình cuối khóa của tôi còn dưới mức trung bình, và các nhà tuyển dụng tiềm năng không ai thèm để mắt đến tôi.
Vậy thì bạn phải làm gì khi bạn vừa mới tốt nghiệp và chân ướt chân ráo bước vào đời để tìm việc làm? Bạn sẽ chấp nhận làm nạn nhân của chuỗi dây chuyền tẻ nhạt kia hay chấp nhận hy sinh để làm điều gì đó hay ho hơn?
Lựa chọn nằm ở bạn.
1.Nếu được, hãy tạm quên chuyện tiền bạc đi
Tôi biết điều này nghe không được thuận tai với mọi người.
Bản thân tôi cũng không chấp nhận được, nhưng nếu có thể, hãy thử xem sao. Bạn sẽ góp nhặt được một kho kiến thức vô tận khi làm việc cho những nhân vật đứng đầu của một nền công nghiệp. Nếu bạn không ngại ở cùng cha mẹ thêm một vài năm nữa, thì tôi khuyên bạn nên đi theo hướng này.
Nếu bạn cần phải chi trả hóa đơn các kiểu, hoặc đã lập gia đình, vậy còn có lựa chọn khác là bạn có thể tình nguyện làm việc bán thời gian. Bạn có thể phải bận bịu tối mắt tối mũi mỗi ngày, nhưng về lâu về dài, những gì bạn bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng.
2. Hãy làm gì mà mình yêu thích
Điều này không hề dễ dàng. Nhiều người có đam mê làm nhiều việc cùng một lúc. Bản thân tôi luôn trung thành với những điều mới mẻ.
Vậy điều gì bạn thích làm mà không bao giờ chán?
Tôi biết một vài người đã biến đam mê thành một công việc nhưng rồi lại chán ghét nó.
Cũng có những người làm công việc mang tính đổi mới. Nếu bạn dễ chán ghét điều gì, bạn nên tìm kiếm sự cân bằng. Có nhiều cấp độ của đam mê, vì vậy tìm ra sự cân bằng là điều thiết yếu để tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với công việc mình đang làm.
3.Phát triển bản thân
Thay đổi tư tưởng là thay đổi cuộc sống. Việc phát triển bản thân rất quan trọng. Nếu cứ mãi giậm chân tại chỗ thì đời ta không thể phát triển được. Hãy luôn tự tìm ra một phiên bản hoàn hảo hơn của mình.
Hãy làm việc trên mọi lĩnh vực, đừng chỉ chăm chăm vào những điểm chưa tốt. Các nhà lãnh đạo nền công nghiệp thường là những cá nhân kiệt xuất. Họ có một danh sách dài dằng dặc các tố chất khiến người ta phải kiếm tìm, và hơn 60% các công ty phải học hỏi họ để tăng kỹ năng lãnh đạo của mình.
Nếu bạn định hướng trở thành một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực mà mình chuyên môn, bạn nên hỏi bản thân rằng: “Liệu tôi có sở hữu những tố chất khiến người khác phải học tập theo không?”
Bạn có cơ hội cao và luôn có những điều để trau dồi mở mang thêm. Chúng ta phải luôn có tinh thần cầu thị và không ngừng nghỉ tìm kiếm để hoàn thiện bản thân.
4.Tinh thần làm việc
Bạn là người lười biếng hay một người dám nghĩ dám làm?
Hãy thành thật với bản thân mình. Đừng ném mình vào công việc yêu cầu bạn phải luôn có mặt 24/7 khi bạn không đủ khả năng làm việc quá năm giờ chiều. Cuối cùng rồi bạn sẽ căm ghét chính mình và sớm muộn ông chủ của bạn cũng sẽ ghét bạn.
Nếu bạn dự định tự kinh doanh riêng, hãy hiểu rằng việc này rồi sẽ trở thành cuộc sống, hơi thở và thức ăn của bạn.
Tôi đã từng tự mình kinh doanh nhỏ khi còn học đại học.
Tôi có được sự linh động tuyệt đối trong công việc đó. Thi thoảng, tôi luôn thấy mình quá lo cho công việc kinh doanh, khi mà cái đáng lo phải là việc học. Nhưng với tôi điều đó lại rất tuyệt. Tôi yêu thích những gì mình đang làm và được thúc đẩy bởi sự ám ảnh tình yêu kinh doanh.
Nếu bạn không thuộc tuýp người mong muốn lao vào công việc và chấp nhận thử thách, điều này sẽ là ác mộng với bạn. Hãy tự biết điểm giới hạn của mình.
5.Nắm được ưu điểm và nhược điểm của bản thân
Điều này song hành với việc tự phát triển bản thân. Không ai có thể giỏi hết mọi thứ. Hãy dành chút thời gian để tự đánh giá bản thân mình. Hãy biết bạn cần phải tập trung làm gì.
Bản thân tôi là một người cực kì thiếu tổ chức và mắc tính hay quên. Nếu tôi hẹn với ai mà không viết ghi chú lại thì tôi sẽ không tài nào nhớ nổi.
Một trong những điểm mạnh nhất của tôi chính là sự kiên cường. Nếu đời vùi dập tôi, tôi sẽ không mất nhiều thời gian để hồi phục, tự đứng dậy và tiếp tục bước tới. Hãy biết khiêm tốn và biết nên làm gì để hoàn thiện bản thân mình.
6. Hãy tìm một quân sư
Hãy đối diện với việc không phải ai cũng tin ở bạn hoặc chịu hướng dẫn cho bạn.
Chính cha mẹ tôi cũng không ủng hộ niềm đam mê kinh doanh của tôi. Bạn sẽ phải nghe những lời khuyên không cần thiết và bạn nên biết cái nào nên nghe theo, cái nào nên lờ đi.
Vậy hãy tìm cho mình một quân sư. Một người đã từng kinh doanh cùng lĩnh vực với bạn và hãy để họ cho bạn lời khuyên.
7. Đừng sợ thay đổi
Tôi xin thành thật với bạn rằng mọi thứ ngoài kia không phải lúc nào cũng tươi đẹp như cánh đồng đầy hoa thơm bướm lượn.
Mỗi một nghề nghiệp đều có rủi ro riêng, đặc biệt là khi bạn tự thân kinh doanh. Nếu bạn đã lập gia đình và có con cái, điều này còn khó khăn hơn, và bạn phải tính toán trước các rủi ro trong tương lai.
Nếu bạn dành cả đời sống trong sợ hãi, bản thân bạn sẽ chẳng làm nên được chuyện gì. Bạn buộc phải mạo hiểm để đổi thay. Hãy chuẩn bị cho một “cú ngã sấp mặt”, tức những thất bại sẽ gặp phải.
Tôi đã phải mạo hiểm và thất bại nhiều lần trước khi thực sự hạ cánh vững chãi trên đôi chân mình. Mỗi một lần như thế lại cho tôi nền tảng để làm việc với những gì tuyệt vời nhất trong nghề nghiệp của mình.
Để thôi dông dài, nói tóm gọn lại, tôi đã từng bị sa thải và bị kẹt ở nơi mà tôi không có gia đình hay bạn bè ở bên. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua và mọi thứ với tôi hóa ra trong cái rủi lại có cái may.
Kết luận
Có câu nói như thế này: “Một bậc thầy đôi khi thất bại còn nhiều hơn một sinh viên.” Câu này có nhiều điểm đúng. Không có lí do gì mà bạn không cố gắng để đạt được ước mơ của mình. Hãy biết thực tế hóa tài năng của bạn và đừng bao giờ ngừng kiếm tìm.
Nếu lần nỗ lực đầu tiên không thành công, đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng thử ở một góc độ khác.
Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.
Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.