Mách bạn cách cực hay để nhận biết tin tức thật hay giả
Ngày nay bất cứ ai cũng có thể tạo ra và đăng tin tức trên mạng Internet hay các phương tiện truyền thông xã hội. Vì vậy không có gì bất ngờ khi những tin tức giả, cáo buộc về tin giả hay những nỗ lực giúp con người tránh rở thành nạn nhân của những tin giả đang trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi. Hãy để bài viết sau mách bạn một số cách cực hiệu quả để phân biệt tin tức thật hay giả nhé!
Những câu chuyện tin tức giả rất khó bị phát hiện bởi vì chúng có khuynh hướng đánh lừa và có sức ảnh hưởng – và chúng thường tấn công vào những niềm tin nhất định. Các nhà tâm lý học, đặc biệt là những chuyên gia trong lĩnh vực nhận thức và xã hội đang cố gắng hiểu những dấu hiệu nhận biết tin giả mạo và tìm ra phương thức để giúp con người nhận biết và loại bỏ nó.
Ví dụ, David Rapp và các cộng sự đã chủ động nghiên cứu để giúp con người loại bỏ thông tin giả và tránh dùng lại những tin tức giả đó sau này (Rapp, 2016; Rapp & Braasch, 2014; Rapp, Hinze, Kohlhepp, & Ryskin, 2014).
Một thao tác quan trọng trong nghiên cứu đang tiến hành là lưu trữ dẫn chứng của các loại tin giả khác nhau, vì vậy chúng ta có thể nhận thức được mức độ ảnh hưởng như thế nào, tin giả xuất hiện ở đâu và khi nào. Kiến thức này có thể sẽ hữu ích cho việc phát triển phương pháp tiếp cận và những gợi ý giản đơn cho người tiêu dùng.
Dưới đây chúng tôi sẽ bàn luận về các loại tin giả khác nhau, mỗi loại cần có các chiến lược riêng biệt để chống lại lực hấp dẫn của chúng và những hậu quả khó lường khi tiếp xúc với các tin tức giả.
Một loại tin giả xuất hiện khi các bài báo cố tình đưa ra thông tin sai lệch.Ví dụ, câu chuyện Pizzagate giả xuất hiện trong suốt cuộc bầu cử vừa qua trên các phương tiện truyền thông và các trang tin tức giả.
Chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân khỏi loại tin giả này bằng cách dành thời gian và công sức để suy nghĩ độc lập về các thông tin và nhận ra đâu là giả.Tuy nhiên, chúng ta thường không có đủ thời gian và nỗ lực để làm điều đó. Nếu chúng ta dựa vào bề nổi của các bài báo đưa tin giả tạo, chúng ta có nguy cơ bị đánh lừa.
Điều này đặc biệt đúng khi những quan điểm trong một câu chuyện tin tức phù hợp với quan điểm của chúng ta. Hiện tượng này được gọi là “thành kiến cá nhân” – một trong những thách thức lớn nhất chúng ta cần đối mặt trong việc phát hiện và loại bỏ thông tin sai lệch (Stanovich, West, & Toplak, 2013). Thành kiến cá nhân có thể khiến chúng ta tin tưởng những thông tin giả mạo hoặc bỏ qua tin tức có giá trị. Do đó, việc bỏ qua một thông tin mà ta cho là giả vì nó không đúng với điều mà ta tin tưởng cũng là một khía cạnh của vấn đề tin tức giả mạo.
Loại tin giả thứ hai là tiêu đề mồi nhử. Đã bao giờ bạn đọc một tiêu đề đưa ra một khẳng định hùng hổ, mạnh mẽ nhưng rồi mới nhận ra là dẫn chứng cho khẳng định ấy lại quá nhạt nhòa chưa? Tiêu đề có thể đáng nhớ hơn nội dung của bài báo. Và các trang tin tức truyền thông sẽ có tiền mỗi khi bạn nhấp chuột vào một bài báo. Vì vậy mục tiêu đặt ra là khiến bạn đọc bài báo đó, chứ chẳng mấy khi quan tâm đến nội dung trong bài báo.
Loại tin tức giả mạo thứ ba có vẻ tinh vi hơn, liên quan đến những tiêu đề quá ấn tượng. Thỉnh thoảng một vài chủ đề tin tức đặc biệt được nhấn mạnh như là những tin quan trọng, được công chúng quan tâm nhưng thực sự lại chẳng đáng đưa tin. Chúng ta có thực sự quan tâm đến chuyện tổng thống ăn món tráng miệng với bao nhiêu muỗng kem không? Vả lại, chuyện đó có thật sự cho ta biết điều gì về việc cầm quyền của tổng thống không? Chắc là không đâu. Việc tập trung vào những chủ đề tin tức này khiến bạn không chú ý đến những vấn đề quan trọng và thích đáng hơn. Vì vậy, mặc dù những thông tin được đăng tải có thể đúng nhưng không thực sự có giá trị.
Tin tức giả tạo chẳng có gì mới mẻ cả. Tuy nhiên, để chống lại nó cần phải sẵn sàng nghi ngờ và các kỹ năng ngôn ngữ giúp mỗi người nhận biết những thông tin sai và những việc cần phải làm trong hoàn cảnh đó.
Dưới đây là một vài nhắc nhở giúp bạn nhận biết và loại bỏ các tin tức giả mạo:
- Hãy chú ý tới sức mạnh của “thành kiến cá nhân”. Một vài trang tin tức có thể đang cố gắng kiếm tiền bằng cách “mua vui” niềm tin của bạn.
- Chú ý đến tác giả và nguồn bài viết. Nếu một bài báo không có đề tên tác giả nào, thì đó chính là một manh mối lớn cho biết bài báo đó là giả mạo. Những trung tâm tin tức có tiếng tăm ít khi đăng tải những bài báo giả, nhưng bạn cũng nên đánh giá cẩn thận những bài báo đó.
- Xem xét các lý do tiềm năng khi đăng một câu chuyện tin tức. Các trung tâm tin tức đều có các kế hoạch phát triển và một mục tiêu chung là làm cho độc giả đọc và chia sẻ các bài báo.
- Khi người ta đưa ra các quan điểm trong bài báo, hãy xem xét cẩn thận những dẫn chứng mà họ đưa ra để làm rõ các quan điểm đó. Nếu dẫn chứng lại là một ý kiến, quan điểm đó sẽ không hữu ích như quan điểm có dẫn chứng hỗ trợ.
- Chú ý vào cách tác giả thu thập thông tin. Những nguồn thông tin có thể chứng thực đáng tin cậy hơn những nguồn mơ hồ hoặc không xác định.Tuy nhiên, đôi lúc các trung tâm tin tức phải giữ bí mật nguồn tin của họ.
- Đảm bảo tiêu đề tương ứng với nội dung của một bài viết.
- Khi bạn đọc một bài báo, hãy nghĩ xem liệu nội dung của bài báo có thực sự có ý nghĩa hay không.
- Quan trọng nhất, hãy là một người suy nghĩ độc lập. Hãy nghi ngờ những thông tin bạn đọc được kể cả khi chúng phù hợp với những gì bạn tin tưởng.
Vì vậy hãy tự trang bị cho bản thân thật tốt để tránh bị mắc bẫy của tin tức giả nhé.
Tác giả: David Rapp and Joe Magliano
Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.
Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.