Vì sao những quyết tâm đầu năm mới thường không thành? Làm thế nào để có thể khắc phục?
Bạn có cảm thấy hào hứng mỗi dịp Tết đến xuân về?
Tôi chắc chắn câu trả lời của bạn là có. Khởi đầu một năm mới là thời khắc đặc biệt – khoảng thời gian mà bạn tràn đầy hi vọng nhất với mong muốn có một năm mới tuyệt hơn bao giờ hết.
Điều đó cũng có nghĩa là bạn vừa viết (hoặc đang suy nghĩ để viết) ra những quyết tâm mong muốn thực hiện trong năm mới của mình.
Tuy nhiên bạn cần xác định được điều quan trọng thực sự là gì.
Có lẽ hơi khó nghe một chút nhưng tôi phải nói rằng những quyết tâm đầu năm mới của bạn có thể sẽ bị đổ bể.
Để tôi nói bạn nghe lý do nhé.
Tại sao những quyết tâm đầu năm thường đổ sông đổ bể?
Giáo sư Baba Shiv tại Đại học Stanford đã tiến hành một thử nghiệm rất thú vị có thể sẽ giúp bạn hiểu ra vấn đề.
Để tiến hành nghiên cứu của mình, giáo sư đã chọn ra 165 sinh viên và chia làm hai nhóm: một nhóm phải ghi nhớ một số có hai chữ số, nhóm còn lại ghi nhớ một số có bảy chữ số.
Sau khi nhớ số, mỗi sinh viên đều phải tới một phòng khác. Nhưng trên đường di chuyển, họ được mời ăn nhẹ, có thể chọn bánh sôcôla hoặc trái cây.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những sinh viên ghi nhớ số có bảy chữ số hầu như có khả năng lấy bánh socola cao tới hai lần.
Điều đó có nghĩa là gì?
Nếu bạn sử dụng năng lực trí óc vào thứ gì đó, sức mạnh lý trí của bạn sẽ giảm. Nói cách khác, sức mạnh lý trí cũng như năng lực trí óc của bạn đều có giới hạn nhất định.
Hãy nghĩ về việc: Bạn sẽ làm gì khi đặt ra những quyết tâm đầu năm cho mình?
Về cơ bản, bạn sẽ yêu cầu não bộ của mình dồn hết sức mạnh lý trí để thực hiện những quy tắc khác nhau. Bạn càng đặt nhiều quyết tâm, bạn sẽ càng cần nhiều sức mạnh lý trí và có khả năng bạn sẽ phá vỡ sự quyết tâm trước khi đạt được mục tiêu mong muốn.
Giờ thì hãy tìm hiểu xem bí mật để giữ quyết tâm đầu năm là gì.
Phải làm gì để có thể trung thành được với những quyết tâm đầu năm đã đặt ra?
Có ý kiến cho rằng: càng đặt nhiều quyết tâm thì khả năng thất bại càng cao, và ngược lại – càng đặt ít quyết tâm, khả năng thành công càng lớn.
Có nghĩa là bạn sẽ đạt tỉ lệ thành công cao nhất khi chỉ đặt ra một quyết tâm đầu năm.
Giờ có lẽ bạn đang tự hỏi “nếu chỉ có thể chọn một mục tiêu quyết tâm thì tôi nên chọn cái nào?”
Dĩ nhiên là hãy chọn mục tiêu quan trọng nhất đối với bạn, mục tiêu mà có ảnh hưởng tích cực nhất tới cuộc sống của bạn.
Nhưng đừng dừng lại ở đó! Thực ra có một số điều rất hữu ích mà tôi muốn chia sẻ với bạn ngay bây giờ.
Cách hoàn thành TẤT CẢ mục tiêu của những quyết tâm đầu năm
Sức mạnh lý trí được sử dụng khi bạn hình thành các hành vi mới và thực sự thì bạn không dùng sức mạnh ấy cho một số hành vi cũ.
Hãy nghĩ về tất cả những thứ bạn làm trong ngày: Có bao nhiêu thứ được làm với sức mạnh lý trí lớn lao?
Không nhiều.
Lý do là bởi nhiều thứ bạn làm trong ngày đều chỉ là những thói quen.
Và thói quen là thứ có sức mạnh vô cùng kỳ diệu.
Thói quen gần như chẳng tiêu tốn chút năng lượng nào từ não bộ.
Vì vậy, nếu bạn chuyển một trong số mục tiêu quyết tâm của mình thành thói quen thì bạn sẽ chẳng tốn chút năng lượng nào mà vẫn có thể thực hiện một mục tiêu mới. Để làm được điều đó, bạn phải nghiêm túc thực hiện một trong số những mục tiêu quyết tâm của mình trong khoảng thời gian 21 ngày liên tiếp (đây là thời gian trung bình mà một hành vi có thể trở thành một thói quen, con số này có thể khác một chút đối với bản thân bạn).
Sau khoảng thời gian ấy, mục tiêu quyết tâm của bạn sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ dễ dàng bắt đầu với một mục tiêu mới.
Nên nhớ rằng: “Hãy thực hiện một mục tiêu tại một thời điểm.”
Đó chính là bí mật để hoàn thành mục tiêu giúp bạn có một năm mới tuyệt hơn bao giờ hết.
Muốn một lối tắt ư?
Bạn có muốn một lối tắt không?
Có lẽ bạn đang tự hỏi “Nếu tôi thực hiện hai mục tiêu tại một thời điểm thay vì một mục tiêu thì sao? Kết quả đạt được của tôi sẽ tăng gấp đôi.”
Nó không hiệu quả như vậy. Không có lối tắt nào cả. Nó không chỉ là vấn đề bạn đọc cái gì cho tới giờ trong bài viết này mà nó còn là kinh nghiệm thực hành.
Nghe này, tôi đã huấn luyện hàng trăm người và thấy có một điểm chung đó là: Cho dù bạn nghĩ bạn thông minh/ cứng rắn/ kiên định tới đâu, thì việc cố gắng tạo ra nhiều thói quen tại một thời điểm cũng sẽ dẫn đến thất bại.
Đó không phải vì bạn không đủ thông minh mà là vì cuộc sống này quá phức tạp: Hãy nghĩ rằng bạn có một ngày vất vả với công việc/học tập/gia đình và nó khiến bạn phải tiêu tốn nhiều năng lượng não bộ. Có lẽ bạn vẫn tìm thấy năng lượng để gắn bó với một mục tiêu nhưng nếu bạn có hai mục tiêu thì bạn sẽ mất cả hai.
Giờ thì hãy nghĩ: Liệu có thể chỉ có MỘT ngày khó khăn trong 21 ngày không? Rất có khả năng! Nghĩa là trong hầu hết thời gian, bạn sẽ có thể phá vỡ chu kỳ hình thành thói quen.
Và một khi chu kỳ ấy bị phá vỡ, bạn phải gạch bỏ nó đi và tiếp tục với chu kỳ 21 ngày khác.
Liệu đó có phải là một kế hoạch tốt?
Không đời nào. Hãy gắn bó với một mục tiêu tại một thời điểm và bạn sẽ đạt được kết quả như mong muốn.
Kết luận
Nếu bạn thấy tất cả những điều này có lý, tôi khuyến khích bạn hãy bắt đầu bằng việc thực hiện một thói quen tốt, chẳng hạn như đọc một cuốn sách thay đổi cuộc đời, chỉ với việc dành ra 10 phút mỗi ngày mà thôi. Nó thực sự đã giúp tôi thay đổi cuộc đời mình và bạn chắc chắn cũng sẽ nhận được điều tương tự.
Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.
Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.