Rao Vặt Tổng Hợp

4 nguyên mẫu của hạnh phúc và cách để thoát khỏi cuộc đấu tranh sinh tồn (Phần 2)

Hạnh phúc thật sự đến từ việc giữ cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Đó là khi chúng ta đủ khả năng tận hưởng cả cuộc hành trình lẫn đích đến, trân trọng món quà của hôm nay, cũng như tất cả những ước mơ, khát vọng và mục tiêu của chúng ta.

1. Hạnh phúc là một động từ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 50% hạnh phúc liên quan tới gen, chỉ 10 phần trăm phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và 40 phần trăm còn lại có tương quan với suy nghĩ và cách ứng xử của chúng ta. Chính vì thế hạnh phúc không phải một danh từ, nó là một động từ. Với những người có tinh thần ổn định, hạnh phúc đến từ thái độ, từ những quá trình không ngừng nghỉ bên trong chúng ta.

Rất nhiều người sợ hãi trước hạnh phúc, bởi một ngày nào đó họ sẽ đánh mất nó, họ để sự lo lắng lấn át mọi niềm vui.

Tôi nuôi dưỡng sự lạc quan của mình và tin tưởng vào vòng chảy cuộc sống. Tôi chuyển sự tập trung của mình từ những thứ có thể sai sang những thứ có thể đúng. Dù tôi có sợ hãi điều gì thì nó cũng chưa từng xảy ra. Tôi ôm lấy tương lai mình trong vòng tay hiếu kì như một đứa trẻ, và tôi đã chọn cách tin tưởng rằng những điều tuyệt vời vẫn luôn chờ đợi đâu đó xung quanh ta – rằng ta đang sống trong một Vũ Trụ thúc đẩy mọi thứ theo chiều hướng hoàn hảo, và mọi chuyện xảy ra đều đem lại lợi ích tốt đẹp nhất cho chúng ta.

Nếu tôi nhìn cuộc sống qua lăng kính tiêu cực, sợ hãi những thứ không may có thể xảy ra thì “ghét của nào trời trao của nấy”. Tôi đã không còn cho phép tâm trí điều khiển mình hay khiến mình căng thẳng bằng những nỗi sợ hãi, bất an và lo lắng vì những thứ còn chưa hề xảy ra nữa.

Tôi nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những suy nghĩ lành mạnh, chẳng hạn như:

“Cuộc đời rất thương tôi. Trong thế giới của tôi mọi thứ đều tốt đẹp, và tôi luôn được an toàn.” ~ Louise Hay.

2. Tôi làm đẹp cuộc sống của mình, mỗi ngày

Tôi đã chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc đẹp hay những niềm vui nho nhỏ đến trong đời mà không đòi hỏi điều gì lớn lao, hay thậm chí là miễn phí.

Nếu không đủ thời gian dành cho các sở thích cá nhân, tôi sẽ sắp xếp. Tôi phải đọc một quyển sách thú vị hay xem một bộ phim đem đến cho tôi niềm vui và những tiếng cười sảng khoái.

Tôi chọn bạn để chơi, những người không phán xét và yêu thương tôi vì chính con người tôi. Chỉ cần một cuộc trò chuyện vui vẻ nho nhỏ bên tách cà phê cũng đủ để cho tôi một nguồn năng lượng tích cực dồi dào.

Tôi đi dạo trong công viên và hòa mình với thiên nhiên.

Tôi chơi đùa cùng chú chó của mình.

Thi thoảng tôi sẽ thắp một ngọn nến hoặc đốt tinh dầu thơm. (Tôi thích nhất là hương hoa nhài). Nó kích thích sự sáng tạo và giúp tôi thư giãn.

Tôi không đợi đến những dịp trọng đại trong năm (chẳng hạn như sinh nhật) để tô điểm ngôi nhà của mình bằng những đóa hoa tươi.

Tôi tự tạo cho mình thói quen uống nước lọc bằng ly rượu thủy tinh với một lát chanh.

Tôi thưởng thức cà phê sáng bằng một chiếc ly xinh xắn in hình trái tim, để nhắc nhở bản thân rằng tình yêu có ở khắp mọi nơi.

Tôi dùng ga giường và khăn tắm loại đẹp nhất, tốt nhất thay vì để dành cho khách đến chơi nhà, đơn giản vì tôi xứng đáng được như thế.

“Ngày hôm qua đã là quá khứ. Ngày mai là một bí ẩn. Ngày hôm nay là một món quà, đó là lý do chúng ta gọi nó là hiện tại.” ~ Khuyết danh.

3. Tôi nuôi dưỡng ước mơ chứ không phải sự tiếc nuối

Nhu cầu được ổn định và an toàn (bao gồm cả một mức độ tài chính nhất định) là điều tối thiểu mà con người cần. Thảo nào khi không đủ tiền thì ai nấy đều lao vào cuộc chạy đua cho cuộc sống. Nhưng như thế nào mới được tính là “đủ”? Chẳng phải đó chỉ là một khái niệm mang tính chủ quan, phụ thuộc vào nhu cầu và kỳ vọng của mỗi cá nhân hay sao?

Tôi đã từng gặp rất nhiều người giàu có không mấy hạnh phúc vì lòng tự tôn luôn khiến họ phải có được nhiều hơn hay tốt hơn. Cũng giống như suy nghĩ, “Được rồi, giờ mình mua được căn nhà này rồi, chỉ cần gia đình mình chuyển tới một căn nhà rộng lớn hơn thì mình cuối cùng sẽ hạnh phúc.”

Một lý do khác khiến chúng ta luôn biến hạnh phúc trở thành một kế hoạch của thì tương lai là vì ta tự giới hạn niềm tin của mình (thường do di truyền lối sống) vào tiền bạc và luôn luôn đẩy bản thân tới chế độ sống còn.

Lấy chuyện của tôi làm ví dụ: Tôi từng làm việc ở Trung Quốc vài năm trước. Tôi sống trong một khu phức hợp tuyệt đẹp ở trung tâm thành phố Thượng Hải, công ty trợ cấp toàn bộ, tôi vẫn còn độc thân, không nợ nần hay ràng buộc tài chính. Nhìn bề ngoài thì mọi thứ đều hoàn hảo, nhưng thật ra tôi lại không hề hạnh phúc!

Tôi hiểu mình luôn muốn đi vòng quanh thế giới và gặp gỡ con người đến từ nhiều miền văn hóa khác nhau. Tôi có đủ tiền để làm được điều đó, nhưng tôi vẫn sợ không dám tiêu! Đến tận ngày hôm nay tôi vẫn rất biết ơn người bạn đã khăng khăng kéo tôi tham gia cùng chuyến du lịch với cô ấy, bởi vì đó là cách tôi đã đập vỡ bức tường cản bước chính mình.

Bạn biết đấy, tôi lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Đông Âu. Khi còn nhỏ, tôi thường thấy bố mẹ mình tiết kiệm tiền bạc để chuẩn bị cho “thời kì đen tối” sau khi họ nghỉ hưu (thời kì họ không kiếm được tiền và có nguy cơ “bắt đầu chết đói”.) Kết quả là khi tự kiếm được tiền, tôi cũng bắt đầu làm theo cách đó.

Và đây là những điều tôi đã học được: Mình sẽ không dành những năm tháng tuổi trẻ quý giá chỉ để tiết kiệm mọi thứ cho tuổi già. Tiết kiệm tiền là một hình thức tự lo cho bản thân, và tôi cũng đang làm điều đó. Tuy nhiên, tôi sẽ không chết với những cuốn sổ tiết kiệm, và khi về già tôi sẽ không nhìn lại cuộc đời mình bằng sự tiếc nuối. Tôi đầu tư cho bản thân, cho học tập và tôi dành một phần tiền cho những trải nghiệm, để chắc chắn rằng tôi nhận được nhiều kỉ niệm quý giá hơn là những giá trị vật chất.

“Bạn sẽ không bao giờ hối hận vì những gì bạn làm trong cuộc sống. Bạn chỉ hối hận vì những gì bạn không làm.” ~ Wayne Dyer.

Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.

Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.

Related Articles

Trả lời

Back to top button