Rao Vặt Tổng Hợp

4 nguyên mẫu hạnh phúc và cách để thoát khỏi cuộc đấu tranh sinh tồn (Phần 1)

Tác giả: Sara Fabian

“Khi khiêu vũ, mục đích của bạn không phải là đưa chân đến một chỗ nào đó trên sàn nhảy mà là tận hưởng từng bước nhảy uyển chuyển.” – Wayne Dyer

Một hôm, tôi đang phàn nàn về việc mình không có đủ ngày phép để trốn khỏi cả đống công việc và tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ. Tôi đang cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ tới cha dượng, tưởng tượng ông đang nhìn tôi với sự yên bình và cảm thông sâu sắc.

“Ta nghe thấy con”, ông nói. “Ta biết con làm việc vất vả. Đôi khi ta tưởng tượng mình nhảy ra khỏi giường và đi dạo. Làm bất cứ thứ gì ta muốn.”

Những lời nói của ông khiến tôi bừng tỉnh, nhắc tôi nhớ mình may mắn nhường nào mà không biết trân trọng, không bao giờ cảm thấy đủ. Còn bố tôi, ngồi liệt trên chiếc xe lăn, bị hành hạ bởi chứng đa xơ cứng trầm trọng, lại mơ có một chuyến đi dạo giữa thiên nhiên. Ngày đó, ông trở thành người thầy của tôi.

Trong suốt nhiều năm, tôi tốn quá nhiều thời gian quý báu chỉ để phàn nàn. Tôi nghĩ mình không bao giờ có đủ thời gian, tiền bạc hay tình yêu.

Nhiều người trong chúng ta cứ chăm chăm đặt hạnh phúc của mình vào một tương lai vô định nào đó, thay vì sống với thực tại. Chúng ta thường nghĩ thế này:

Khi kết hôn, tôi sẽ hạnh phúc.

Khi mua được căn nhà mới, tôi sẽ hạnh phúc.

Khi kiếm được chừng này tiền, tôi sẽ hạnh phúc.

Nhìn lại mình, tôi chợt nhận ra rằng mình đã không biết cách để sống hạnh phúc. Tôi không bao giờ để mình nghỉ tay, cứ chạy mãi, chạy mãi nhằm có được nhiều thứ hơn. Coi hạnh phúc là một “dự án” và ngồi chờ điều kỳ diệu xảy ra, tôi tin đến cuối cùng, mình sẽ vui vẻ, thỏa mãn.

Lúc ấy, tôi không biết rằng, mình chính là một người chạy đua, một con chuột chạy mãi trong cái guồng quay vô nghĩa.

Trong cuốn “Hạnh phúc hơn”, tác giả Tal Ben-Shahar (giáo sư ĐH Harvard, nhà nghiên cứu, nhà văn) đã định nghĩa 4 nguyên mẫu hạnh phúc.

Chủ nghĩa hư vô (Nihilism)

Người theo chủ nghĩa hư vô (nihilist) đã mất niềm vui trong cuộc sống, cả ở hiện tại lẫn tương lai. Họ không hài lòng về công việc hay cuộc sống cá nhân và cũng không kỳ vọng vào một lợi ích hay phần thưởng nào đó trong tương lai. Họ từ bỏ và phó mặc cho số phận.

Chủ nghĩa khoái lạc (Hedonism)

Người theo chủ nghĩa khoái lạc (Hedonist) hưởng thụ khoái cảm ở hiện tại, ít hoặc không quan tâm đến hậu quả và kế hoạch tương lai. Bởi không bận tâm với những mục tiêu và kế hoạch tương lai, họ thường không thấy thỏa mãn.

Cuộc đua sinh tồn

Trong cuộc đua sinh tồn, người ta thường hy sinh sự hài lòng và lợi ích hiện tại để theo đuổi phần thưởng nào đó trong tương lai. Đây dường như là một nguyên mẫu khá quen thuộc với chúng ta (liên tục đặt ra mục tiêu mới, không bao giờ hài lòng, luôn bận rộn).

Điều này không có nghĩa đặt ra mục tiêu rõ ràng là xấu. Chúng ta cần có mục đích và tầm nhìn rõ ràng. Nếu không biết mình muốn gì, làm sao ta có được nó? Vấn đề ở chỗ: Chúng ta gắn hạnh phúc với kết quả trong tương lai mà không nhìn thấy hay trân trọng những điều tốt đẹp ở hiện tại.

Cuộc chạy đua này là săn tìm hạnh phúc, đuổi theo ảo ảnh và không bao giờ thấy vừa lòng. Càng đạt được nhiều, ta càng muốn có thêm: mua một căn nhà nữa, một chiếc xe nữa, kiếm công việc khác và làm ra nhiều tiền hơn.

Hạnh phúc

Hạnh phúc thực sự đến từ sự cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Đó là khi chúng ta có thể tận hưởng cả hành trình lẫn đích đến, tập trung vào những món quà của hôm nay và cả ước mơ, mục tiêu, hoài bão tương lai.

“Hạnh phúc không phải khi bạn đặt chân lên đỉnh núi hay đi vòng vòng vô định quanh ngọn núi. Hạnh phúc là trải nghiệm của chuyến hành trình leo lên đỉnh.” – Tal Ben-Shahar

Kiến Thức Tổng Thể Nơi Chuyên Mục Dành Riêng Những Tin Tức Tổng Thể Thường Quanh Đời Sống. Được Tổng Hợp Và Chia Sẻ Từ Nhiều Nguồn Khác Nhau.

Kiến Thức 1805 Nơi Chia Sẻ Kiến Thức Của Bạn.

Related Articles

Trả lời

Back to top button