6 Sai Lầm Dễ Vấp Phải Khi Nhập Môn Tarot
Mỗi ngày có trung bình gần 100 bạn biết đến Tarot tại Việt Nam. Với số lượng lớn như thế thì việc có người này, kẻ kia hiểu khác nhau về các con đường theo đuổi Tarot là điều không thể tránh khỏi. Nhưng có những hiểu biết sai lệch mà cho dù đi theo con đường nào cũng không dẫn đến kết quả đúng. Vậy bạn có vấp phải những sai lầm này? Hãy cùng theo dõi!
6 Sai Lầm Dễ Vấp Phải Khi Nhập Môn Tarot
1. Lười đọc sách, nhìn hình ảnh rồi phán, sau đó nhận là bản thân theo hệ feel.
Như đã có nhiều bạn phân tích trước đây, từ “feel” ở đây nó mang ý nghĩa là nhìn hình ảnh và phân tích, chứ không phải dùng trực giác bản năng sơ khai mà phán đoán. Vì thế để bạn có thể feel được một lá bài, ngoại trừ bạn có khả năng tâm linh tốt, cái này thì rất ít người có được, thì bạn đều phải tìm hiểu và học hỏi. Càng biết nhiều kiến thức, càng “feel” tốt hơn. Ví dụ bạn hiểu rất rõ về các Thần Thoại, các nền văn hóa trên khắp thế giới, vậy thì chỉ cần nhìn vào hình ảnh một con rắn, một quả táo, bạn đã có thể hiểu ngay đây chính là những thứ quyến rũ, hấp dẫn, dễ khiến người ta lầm đường lạc lối, vì Thần thoại và trong nhiều nền văn hóa đã nói về 2 hình tượng này rất nhiều..
Nếu bạn nhìn vào một lá bài và chẳng biết nói gì, thì bạn không có khả năng tâm linh đâu. Hãy cầm sách vở lên mà học đi. Học kiến thức, kĩ năng xã hội càng nhiều cũng càng có lợi cho việc giải bài. Đừng lười biếng rồi vỗ ngực bảo là mình theo hệ “feel”, nên mình không cần đọc sách. Mình xem cho bạn nếu là sai thì là bạn không kết nối với mình. Quá sai lầm!
Rồi có vài trường hợp khá vui nữa, bạn nhìn lá bài và không cách nào hiểu được, vì đã có được nền tảng kiến thức đâu mà đòi suy luận diễn giải, vội bào chữa là “mình mất liên kết rồi”. Không có đâu! Kiến thức cũng như bản năng vậy, đã nạp vào đầu rồi thì nó sẽ nằm ở đấy, để 10 năm, 20 năm đi nữa, dùng lại thì vẫn còn nguyên trong đầu. Trừ khi đó chưa phải kiến thức của bạn, mà chỉ là những gì bạn nạp vội vào đầu để xem đối phó thôi. Có khi nào bạn biết chạy xe đạp, 10 năm sau bạn không đi xe đạp, bạn leo lên xe đạp lại, bạn không thể chạy được không? Không hề, vì đó là bản năng của bạn rồi. Còn việc giải bài hay dở, hay lái xe tốt hay không mới là kĩ năng. Muốn thuần thục cần sự luyện tập, kiên trì thường xuyên.
2. Mới ôm bộ Tarot về, chưa có nền tảng đã vội đi xem cho người lạ.
Mình vẫn thường nói đi nói lại hoài, việc bạn hãy từ từ đi từng bước cho thật chậm và chắc. Ban đầu bạn hãy tự xem cho chính bản thân, chiêm nghiệm những gì đã xảy ra tương ứng với lá bài thế nào. Rồi xem cho người thân, bạn bè, những ai mà bạn hiểu rõ, để có thể hiểu thấu được câu chuyện của họ, mà không phải phỏng đoán, dò xét… rồi xin feedback để có thể hiểu hơn về ý nghĩa lá bài muốn truyền tải. Bạn chỉ mới tập xem, mà đã tìm người lạ để xem, rồi cho những lời khuyên, chỉ dẫn lung tung, bởi vì bạn chưa đủ “lực” để phân tích cho đúng, cho đủ, rồi bạn làm người ấy hoang mang, có khi lại gây hậu họa về khẩu nghiệp?!
3. Trải bài xong, giải không được, đi nhờ vả người khác.
Theo mình, cách này vẫn ổn thôi, nhưng mức độ chính xác, mình không dám đảm bảo. Bài là do bạn bốc ra, bốc ra từ bộ bài của bạn. Mình có hiểu gì về bộ bài, về bản thân bạn, về cách bạn quy ước với bộ bài, dùng chiều ngược xuôi ra sao… đâu mà có thể giải giúp bạn? Riêng về cách dùng chiều ngược đã có hơn 7 cách dùng, vậy thì bạn có thể nghĩ rằng một ai đó có thể giải trải bài cho bạn đúng hơn chính bạn hay sao?
Hên thì bạn gặp được người giải giúp có cách dùng Tarot giống bạn nên giải đúng. Xui thì chả trúng cái gì luôn, rồi đổ thừa người giải chả có kiến thức gì cả.
Hãy ngừng ỷ lại đi, và đứng lên, học hành cho thật nghiêm túc vào!
4. Đọc và nhồi nhét thật nhiều vào đầu mà chẳng hiểu gì cả.
Bạn có đọc chục cuốn mà không hiểu chữ nào thì cũng bằng không. Thay vì lựa chọn 1 giáo trình và đọc, thực hành chúng cho thật nhuần nhuyễn, trước khi qua những cuốn sách khác nâng cao hơn. Lúc ấy bạn đã có sẵn nền tảng vững vàng trong đầu rồi, thì khi đọc một cuốn sách khác, đầu óc bạn sẽ tự khắc có cách lọc lõi những gì phù hợp – chưa phù hợp. Bạn sẽ bớt bị hoang mang.
5. So sánh cách hướng dẫn của tiền bối này với tiền bối khác
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, oke? Mèo rất khó chịu với kiểu câu hỏi mà có nhiều bạn đặt ra cho mèo: “Thầy A ở lớp Y đã dạy cho mình như thế này mà sao bạn lại hướng dẫn khác vậy?”, “Cô B dạy cho mình thế kia mà sao bạn lại ngược ngạo vậy?”.. Như lời khuyên ở trên, bạn đã theo ai thì nên theo tới cùng. Vì mỗi người có một cách trải nghiệm riêng, và họ sẽ từ đó hình thành nên một giáo trình hướng dẫn riêng phù hợp với những gì họ đã từng trải nghiệm. Bạn thấy hợp ai, cứ theo người đấy và theo đến cùng. Đừng “Đứng núi này trông núi nọ”, suốt đời chẳng nắm được gì trong tay.
6. Sợ sai, ngại không dám xem lại kiến thức, không dám thừa nhận cái dốt của mình
Số này thì không nhiều, nhưng thể hiện rõ nhất là khi đi thực hành ở bên ngoài. Nhiều bạn rõ ràng không nhớ được kiến thức, nhưng ngồi trước mặt querent mà lôi sách ra để xem lại thì thật là… “mất mặt”, thế nên nhắm mắt phang liều luôn câu trả lời. Hên đúng, xui thì sai bét nhè.
Mèo nghĩ tâm lý chung ai cũng sợ phải thừa nhận mình dốt. Nhưng tâm lý cao hơn sẽ cho thấy, ai nhìn được điểm dốt của mình và chấp nhận sửa sai sẽ tiến xa hơn. Vì thế việc bạn cầm sách lên đọc lại những gì đã lỡ quên đó, vừa khiến querent cảm thấy bạn đang rất nghiêm túc với trải bài này nên mới cẩn trọng xem lại, vừa giúp bạn nhớ rất lâu vì người ta thường nhớ mãi những lần “mất mặt” haha.
Tham Khảo Sự Khác Biệt Giữa Bài Tây Và Bài Tarot
Chuyên Đề Tarot Chia Sẻ Kiến Thức Tarot Tổng Hợp